Open navigation

Công văn 45/BTTTT-VP ngày 05/01/2023 Chuyển đổi số gắn với đổi mới sáng tạo cải cách hành chính nhà nước và công tác thanh tra kiểm tra trong đầu tư công

BỘ THÔNG TIN VÀ 
TRUYỀN THÔNG
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/BTTTT-VP

V/v trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2023

 Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 7963/VPCP-QHĐP ngày 26/11/2022, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri kiến nghị chuyển đổi số phải gắn với đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính nhà nước; Chỉ đạo các Bộ, ngành quan tâm công tác thanh tra, kiểm tra trong đầu tư công chuyển đổi số nhất là khâu chọn nhà cung cấp dịch vụ số hoặc tự phát triển tại đơn vị đảm bảo công khai, minh bạch và có thực hiện đánh giá hiệu quả kinh phí đầu tư.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến trả lời như sau:

1. Chuyển đổi số phải gắn với đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính nhà nước

Một trong các nội dung quan trọng của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 15/7/2021 đó là xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.

Thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu nêu trên, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương. Một số kết quả nổi bật như: Hạ tầng kỹ thuật cơ bản đáp ứng được nhu cầu; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm hoàn thành, từng bước được khai thác, sử dụng hiệu quả; việc trao đổi văn bản điện tử đã đi vào nền nếp; nhiều dịch vụ công đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4; xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử được cải thiện; nhận thức về chuyển đổi số được nâng cao, thể hiện rõ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch Covid-19.

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra để thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra tại tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, đó là đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc. 100% Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các Hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương...Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

2. Về công tác thanh tra, kiểm tra trong đầu tư công chuyển đổi số

Năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số; Năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch; Năm 2022 là tăng tốc, đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện.

Một trong các yếu tố quan trọng góp phần đạt được những kết quả nêu trên, bảo đảm chuyển đổi số thực sự hiệu quả, tránh làm theo "phong trào" thì công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, đôn đốc triển khai đóng vai trò quan trọng.

Ngày 24/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1619/QĐ-TTg về việc Kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban. Tất cả các bộ, ngành, địa phương đều đã có Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số để chỉ đạo, đôn đốc, giám sát các hoạt động chuyển đổi số thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực.

Thời gian tới, để tiết kiệm nguồn lực và phát huy tối đa hiệu quả của công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, bên cạnh các hoạt động đã triển khai, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường áp dụng công nghệ số để thực hiện công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra trực tuyến, theo thời gian thực, đặc biệt là đối với các đối tượng quản lý.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
- Ủy ban TWMTTQVN;
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Vụ Dân nguyện (VPQH);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng;
- Trung tâm Thông tin (để đăng lên Cổng TTĐT của Bộ);
 - Lưu: VT, VP,TKTH.

BỘ TRƯỞNG




 Nguyễn Mạnh Hùng

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.