BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 525/TCT-DNNCN V/v công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh. | Hà Nội, ngày 15 tháng 02 năm 2024 |
Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ và phối hợp chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, ngành Thuế đã từng bước thực hiện hiệu quả công cuộc chuyển đổi số, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu trong công tác quản lý thuế nhằm tiết giảm thời gian, giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số cải cách hành chính của địa phương,
Nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách đối với hộ, cá nhân kinh doanh, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong thời gian qua, cụ thể như sau:
1. Về công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh
Bộ Tài chính có văn bản số 95/BTC-TCT ngày 04/01/2024 về việc chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh; Tổng cục Thuế có văn bản số 3026/TCT-DNNCN ngày 20/7/2023 về việc triển khai chức năng bản đồ số hộ kinh doanh, văn bản số 5585/TCT-DNNCN ngày 11/12/2023 về việc chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh. Theo đó, đề nghị các Cục Thuế phối hợp với chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan (Tài chính, Ngân hàng, Công thương, Quản lý thị trường, Công an, Thông tin truyền thông, ...) trên địa bàn và chỉ đạo các Chi cục Thuế thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
- Triển khai rà soát đối tượng tại địa bàn để tránh bỏ sót hộ, tổ chức khảo sát doanh thu và các yếu tố liên quan đến hoạt động kinh doanh thực tế của hộ kinh doanh. Thực hiện đúng và đầy đủ các bước về quản lý hộ kinh doanh theo hướng dẫn tại Quy trình quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh, trong đó chú trọng các ngành nghề trọng điểm của hộ kinh doanh tại địa bàn. Từ đó có cơ sở điều chỉnh doanh thu, mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh đảm bảo sát thực tế.
- Xây dựng các giải pháp nhằm tăng cường quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, đảm bảo đưa vào diện quản lý đầy đủ các hộ kinh doanh thực tế hoạt động trên địa bàn, tránh thất thu về đối tượng và doanh thu kinh doanh. Trong đó tập trung vào các giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình quản lý, công khai, minh bạch thông tin quản lý thuế đối với hộ kinh doanh trên chức năng bản đồ số hộ kinh doanh.
- Tăng cường công tác đôn đốc thu các khoản thuế, phí, lệ phí đối với hộ kinh doanh, đảm bảo 100% số thuế, phí, lệ phí được nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định.
2. Về công tác rà soát, chuẩn hóa thông tin đăng ký thuế
Tổng cục Thuế đã có văn bản số 846/TCT-DNNCN ngày 21/03/2023 và công văn số 6059/TCT-DNNCN ngày 29/12/2023 hướng dẫn việc rà soát, chuẩn hóa thông tin mã số thuế cá nhân, theo đó đề nghị các Cục Thuế tiếp tục chỉ đạo các Chi cục Thuế đẩy mạnh việc rà soát, chuẩn hóa thông tin đăng ký thuế cá nhân trong đó có thông tin của chủ hộ kinh doanh để đảm bảo đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tiến tới chuyển sang sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030.
3. Về công tác rà soát cơ sở dữ liệu trên Cổng thông tin điện tử từ các sàn giao dịch TMĐT
Tổng cục Thuế đã có văn bản số 4205/TCT-DNNCN ngày 14/11/2022 về việc tổ chức triển khai việc hướng dẫn các tổ chức là chủ sở hữu Sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin theo quy định tại Nghị định số 91/2022/NĐ-CP; văn bản số 2079/TCT-DNNCN ngày 26/05/2023 về việc cung cấp thông tin của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT theo quy định tại Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 của Chính phủ, theo đó đề nghị các Cục Thuế tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
- Tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy định của pháp luật về cung cấp thông tin TMĐT đến toàn bộ người nộp thuế, đặc biệt tới các tổ chức là chủ sở hữu sàn TMĐT thuộc địa bàn quản lý; chú trọng tuyên truyền hỗ trợ NNT là hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dịch vụ số thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật.
- Sử dụng thông tin tại mẫu báo cáo được hỗ trợ trên ứng dụng Data Warehouse để kiểm soát lỗi dữ liệu của sàn TMĐT gửi đến như: tính bất hợp lý, không đầy đủ thông tin, dữ liệu có dấu hiệu thiếu tin cậy, theo đó đôn đốc, hướng dẫn các sàn kịp thời gửi lại dữ liệu đầy đủ, đúng theo quy định.
- Tiếp tục rà soát, phối hợp với Sở Công thương để trao đổi thông tin về các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn sàn thực hiện cung cấp thông tin theo quy định.
- Khai thác dữ liệu do các sàn TMĐT cung cấp để phục vụ công tác quản lý thuế, cụ thể:
+ Phân nhóm đối tượng theo yêu cầu quản lý để đưa vào danh sách rà soát.
+ Hướng dẫn đối tượng rà soát thực hiện các thủ tục đăng ký thuế (đối với trường hợp chưa đăng ký thuế), tự khai, tự nộp thuế theo quy định pháp luật.
+ Rà soát, đối chiếu với tình hình quản lý thuế thực tế tại địa bàn để xác định các trường hợp có khả năng chưa kê khai hoặc kê khai chưa đầy đủ doanh thu kinh doanh. Trường hợp thông tin khai thác trên cơ sở dữ liệu có chênh lệch so với số tự kê khai của NNT thì cơ quan thuế yêu cầu NNT giải trình bằng các hóa đơn, chứng từ, tài liệu hợp pháp (xác nhận thanh toán hoặc tài liệu khác có thông tin về xác nhận doanh thu giữa NNT và Sàn TMĐT, ...) hoặc báo cáo thu nhập sẵn có thể tự in trực tiếp từ hệ thống của Sàn TMĐT và NNT cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác.
+ Trường hợp các cá nhân không hợp tác, không phản hồi thông báo của cơ quan thuế thì thực hiện lựa chọn một số trường hợp điển hình, lập danh sách, báo cáo lãnh đạo CQT xây dựng chương trình phối hợp với các Sở, ngành địa phương thực hiện việc kiểm tra tại địa bàn để xác định chính xác tình hình thực tế, từ đó đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý theo pháp luật thuế và các pháp luật chuyên ngành.
4. Về công tác hóa đơn điện tử đối với hộ kinh doanh
- Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị sơ kết triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền (HĐĐT khởi tạo từ MTT) ngày 29/01/2024, theo đó đề nghị các Cục Thuế:
+ Tiếp tục báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo đạo các Sở, ngành địa phương phối hợp với cơ quan thuế tổ chức thực hiện quản lý, mở rộng triển khai HĐĐT khởi tạo từ MTT trong năm 2024 và các năm tiếp theo, cũng như trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm các trường hợp cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn cho người mua theo đúng quy định của pháp luật thuế, tập trung vào các cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng triển khai HĐĐT khởi tạo từ MTT.
+ Thực hiện rà soát, xác định cơ sở dữ liệu, danh sách các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thuộc diện triển khai trong năm 2024. Giao chỉ tiêu triển khai đến từng cấp Lãnh đạo Phòng, Chi cục Thuế, từng Đội thuế, từng công chức quản lý thuế thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn, vận động, đôn đốc các cơ sở kinh doanh áp dụng HĐĐT khởi tạo từ MTT, đặc biệt với các trường hợp đã đăng ký nhưng chưa sử dụng HĐĐT khởi tạo từ MTT.
+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, gửi thư ngỏ đến các cơ sở kinh doanh về những lợi ích của HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền cũng như đến người dân, người tiêu dùng về quyền lợi trong việc lấy hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi mua hàng hóa, dịch vụ. Phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Trung tâm triển khai hóa đơn điện tử Tổng cục Thuế và các Tổ chức cung cấp dịch vụ, giải pháp tổ chức đối thoại với các cơ sở kinh doanh nhằm nắm bắt, trao đổi, giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng HĐĐT khởi tạo từ MTT.
- Tiếp tục tăng cường rà soát, thực hiện các biện pháp phân tích, đối chiếu, kiểm soát dữ liệu hóa đơn điện tử của các hộ kinh doanh có dấu hiệu rủi ro về thuế để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn việc trốn thuế, gian lận thuế.
5. Tổ chức thực hiện
Đồng chí Cục trưởng tổ chức chỉ đạo đến các đồng chí Trưởng phòng, Chi cục trưởng quán triệt các nội dung nêu trên đến các bộ phận và công chức liên quan. Đồng thời thường xuyên kiểm đếm tiến độ thực hiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, trường hợp phát sinh vướng mắc vượt quá thẩm quyền thì kịp thời báo cáo Tổng cục Thuế để được giải quyết.
Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được biết và thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |