THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 690/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT “KẾ HOẠCH SẮP XẾP LẠI VÀ ĐỀ ÁN CƠ CẤU LẠI TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC ĐẾN HẾT NĂM 2025”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; Nghị định số 147/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 148/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025;
Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội;
Theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Kế hoạch sắp xếp lại và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đến năm 2025” gồm các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU
- Cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đảm bảo cơ cấu hợp lý, phát huy vai trò chủ đạo là doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh vốn theo quy định; thực hiện đầu tư kinh doanh vốn vào doanh nghiệp, dự án theo cơ chế thị trường trong các ngành, lĩnh vực Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ chi phối hoặc các doanh nghiệp, dự án trong các ngành, lĩnh vực mà nhà nước không tiếp tục nắm giữ chi phối trong giai đoạn này nhưng có đóng góp quan trọng với chuỗi giá trị của SCIC như: công nghệ, thị trường, tài chính, nguồn thu cổ tức hằng năm, sử dụng nhiều lao động, có nhiều cơ sở đất đai,..; đồng thời, khai thác tốt các cơ hội đầu tư trong nước và từng bước vươn ra thị trường quốc tế.
- Củng cố SCIC đảm bảo đủ các nguồn lực tài chính, quản trị để tập trung thực hiện nhiệm vụ đầu tư kinh doanh vốn, đầu tư và phát triển các dự án đầu tư có quy mô lớn, quan trọng, điều hành và định hướng phát triển các công ty con theo chiến lược phát triển của SCIC; hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn.
- SCIC sau khi cơ cấu lại có đủ năng lực và nguồn lực tài chính để hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, ổn định và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường; đổi mới tổ chức, phương thức kinh doanh, cơ chế quản lý và điều hành, nâng cao năng lực kỹ thuật công nghệ và nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, tổ chức hợp lý thị trường và quản lý tốt quá trình hoạt động kinh doanh; đầu tư vào các dự án trọng điểm đảm bảo tốc độ tăng trưởng của SCIC; cơ cấu lại vốn đầu tư tại các công ty con, tạo ra các doanh nghiệp trong SCIC có vốn chủ sở hữu lớn, có tiềm lực về tài chính, đảm bảo nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, đảm bảo các cân đối lớn của nhà nước trong các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp; bảo toàn và phát triển vốn của nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp; từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, định hướng sau năm 2025 SCIC trở thành tổ chức đầu tư tài chính có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu tại Việt Nam.
- Xử lý dứt điểm các công ty con, công ty liên kết, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật để giảm thiểu tối đa tổn thất cho Nhà nước, SCIC và xã hội; trong đó, tập trung sớm xử lý dứt điểm tranh chấp hợp đồng EPC tại dự án trong danh mục xử lý của Ban Chỉ đạo các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương.
- Một số chỉ tiêu chủ yếu: Doanh thu: Bình quân hằng năm đạt 9.400 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế: Bình quân hằng năm đạt 6.700 tỷ đồng; Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE): Bình quân hằng năm đạt 10%; Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA): Bình quân hằng năm đạt 9,6%; Nộp ngân sách nhà nước: Bình quân hằng năm đạt 5.400 tỷ đồng. Chỉ tiêu giải ngân đầu tư thực hiện theo Chiến lược phát triển giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm đến năm 2025 của SCIC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
II. ĐỊNH HƯỚNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP CƠ CẤU LẠI DOANH NGHIỆP ĐẾN NĂM 2025
1. Ngành, nghề kinh doanh
SCIC tập trung vào các ngành, nghề như sau:
- Ngành, nghề kinh doanh chính: Đầu tư và quản lý vốn đầu tư theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ; Tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đã tiếp nhận theo quy định hiện hành.
- Ngành, nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính: Đầu tư và kinh doanh vốn vào các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật; Cung cấp các dịch vụ tư vấn và đầu tư, tài chính, chuyển đổi, quản trị, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật.
- Các ngành, nghề khác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
2. Đổi mới quản trị doanh nghiệp
a) Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại về quản trị doanh nghiệp, tập trung vào các nội dung sau:
- Hoàn thiện các quy định, quy chế quản lý nội bộ; ứng dụng quản trị trên nền tảng số.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, điều hành, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với quy mô về vốn, lao động, trình độ công nghệ và tài sản của doanh nghiệp; thúc đẩy cơ chế liên kết nội bộ trong toàn Tổng công ty.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện tình hình mới.
- Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, kế toán; quản lý sử dụng lao động hiệu quả, cải cách cơ chế tiền lương; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
b) Áp dụng thông lệ quốc tế trong việc đổi mới quản trị doanh nghiệp:
- Từng bước thực hiện quản trị doanh nghiệp tiệm cận với các nguyên tắc quản trị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
- Tăng cường công tác dự báo, các giải pháp quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế.
3. Phương án cơ cấu lại tài chính, vốn, tài sản của doanh nghiệp
- Tạo lập nguồn lực tài chính tập trung để đảm bảo nguồn lực đầu tư vào các dự án trọng điểm thuộc ngành nghề kinh doanh chính của SCIC; phát huy vai trò dẫn dắt của SCIC trong việc thúc đẩy hình thành, mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị. Tăng tích tụ, tập trung vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ tại một số doanh nghiệp trong danh mục nhằm nâng cao nguồn lực tài chính để đầu tư vào các dự án lớn có tính chiến lược.
- Thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc SCIC theo Quyết định được phê duyệt; tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, uy tín và thương hiệu trên thị trường.
- Tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu, truyền thống, lịch sử... tại doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ vốn, tài sản nhà nước, tài sản doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
- Về vốn điều lệ của SCIC: Thực hiện lộ trình tăng vốn điều lệ theo quy định pháp luật.
4. Phương án cơ cấu lại nhân sự, tổ chức bộ máy quản lý
- Thực hiện kiện toàn mô hình tổ chức Đảng bộ - Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo mô hình Tổng công ty nhà nước và các tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty; nâng cao vai trò lãnh đạo, giám sát của tổ chức đảng tại Tổng công ty đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, quản lý cán bộ trong Tổng công ty; phân định rõ giữa lãnh đạo quản lý và điều hành doanh nghiệp; tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng trong hoạt động quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Rà soát, cơ cấu lại tổ chức bộ máy của các đơn vị theo định hướng tinh gọn, giảm đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; rà soát, đánh giá, tổ chức và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các Ban tham mưu, giúp việc của SCIC để nâng cao hơn nữa hiệu lực và hiệu quả đối với bộ máy tham mưu, giúp việc.
- Xây dựng, thành lập một số Ủy ban chuyên môn giúp việc cho Hội đồng thành viên theo quy định nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm và sự giám sát của Hội đồng thành viên trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước phù hợp với khung quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế.
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu lực, hiệu quả tại SCIC và các đơn vị thành viên; phòng ngừa, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích, lạm dụng chức vụ quyền hạn thao túng hoạt động của doanh nghiệp; nâng cao tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình, đặc biệt là về tài chính, đầu tư, mua sắm, sử dụng vốn nhà nước.
5. Định hướng đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường; lộ trình cải tiến công nghệ để đổi mới công nghệ từng phần, từng giai đoạn một cách hợp lý, phù hợp với năng lực, định hướng phát triển của doanh nghiệp.
Thường xuyên thực hiện rà soát, đánh giá để đổi mới, cải tiến công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt hơn yêu cầu kinh doanh và thị trường hoặc để tuân thủ các tiêu chuẩn yêu cầu (như về môi trường...) theo quy định pháp luật và phù hợp với năng lực, định hướng phát triển của doanh nghiệp trong từng giai đoạn.
6. Kế hoạch phối hợp, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế khác và các doanh nghiệp thuộc các quốc gia trong khu vực để thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất và hoạt động đầu tư:
- SCIC tiếp tục tìm kiếm, phối hợp, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để thúc đẩy việc hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất và hoạt động đầu tư trong một số lĩnh vực kinh doanh nhằm mở rộng thị trường.
- Chú trọng và quan tâm trong việc tìm kiếm các đối tác có tiềm lực về tài chính, công nghệ mới, kinh nghiệm... để thực hiện các mục tiêu chiến lược.
7. Kế hoạch/danh mục sắp xếp, cơ cấu lại SCIC, các doanh nghiệp trong danh mục của SCIC đến năm 2025
a) Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước:
Tiếp tục duy trì là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn đến năm 2025.
b) Doanh nghiệp do SCIC nắm giữ 100% vốn điều lệ như hiện tại (gồm 1 doanh nghiệp): Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư SCIC.
c) Doanh nghiệp do SCIC nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên như hiện tại (gồm 7 doanh nghiệp):
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền;
- Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP;
- Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải;
- Công ty cổ phần Cảng Quảng Bình;
- Công ty cổ phần Cảng Thuận An (thực hiện thoái vốn sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận);
- Công ty cổ phần Phim Giải Phóng.
- Tổng công ty Sông Đà - CTCP.
d) Doanh nghiệp do SCIC nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ (gồm 5 doanh nghiệp):
- Tổng công ty cổ phần Bảo Minh;
- Công ty cổ phần Cảng An Giang (thực hiện thoái vốn sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận);
- Cổ phần hóa Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác và chế biến đá An Giang.
- Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
- Công ty cổ phần Viễn thông FPT.
đ) Doanh nghiệp do SCIC tiếp tục duy trì tỷ lệ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ như hiện tại (gồm 7 doanh nghiệp):
- Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam;
- Công ty cổ phần Sữa Việt Nam;
- Công ty cổ phần Dược Hậu Giang;
- Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn;
- Công ty cổ phần TRAPHACO;
- Công ty cổ phần cấp thoát nước Lâm Đồng;
- Công ty cổ phần cấp nước Gia Lai;
e) Các doanh nghiệp SCIC thực hiện cổ phần hóa, thoái toàn bộ vốn góp (76 doanh nghiệp): Phụ lục kèm theo.
- SCIC thực hiện thoái hết vốn góp hiện đang nắm giữ: 74 doanh nghiệp
- Thực hiện cổ phần hóa, SCIC không nắm giữ phần vốn sau cổ phần (02 doanh nghiệp): Công ty TNHH MTV In thống kê thành phố Hồ Chí Minh và Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển HPI.
g) Doanh nghiệp thực hiện sắp xếp theo quy định pháp luật (gồm 11 doanh nghiệp)
- Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng giao thông - thủy lợi Thừa Thiên Huế;
- Công ty cổ phần Phương Hải;
- Công ty cổ phần Nuôi và dịch vụ thủy đặc sản Thừa Thiên Huế
- Công ty cổ phần Xây dựng Tây Ninh;
- Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Lợi;
- Công ty cổ phần Địa ốc Long An;
- Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm Bắc Giang;
- Công ty cổ phần Xây lắp thủy lợi Bắc Giang;
- Công ty cổ phần Cơ khí, Xây lắp công nghiệp Cao Bằng;
- Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại công nghiệp Hà Nội Hanitsco;
- Công ty cổ phần Đầu tư tháp truyền hình Việt Nam.
h) Doanh nghiệp thực hiện sắp xếp theo phương án riêng
- Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (thực hiện thoái vốn hoặc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận);
- Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân Đội (thực hiện thoái vốn sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận);
- Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman (thực hiện thoái vốn sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận).
- Tập đoàn Bảo Việt (thực hiện bàn giao về Bộ Tài chính theo quy định hoặc chỉ đạo của cấp có thẩm quyền).
- Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) (thực hiện thoái vốn hoặc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại VNS sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận).
8. Lộ trình thực hiện
- Tập trung tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh để đến năm 2025 giải quyết cơ bản các vướng mắc, tồn tại (nếu có) của SCIC và các đơn vị thành viên; đẩy mạnh công tác thoái vốn.
- Đến năm 2025: hầu hết các doanh nghiệp thành viên là công ty cổ phần, mô hình tổ chức tinh gọn, có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động hiệu quả, có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại tương đương với các nước trong khu vực, đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt.
- Củng cố, phát triển một số doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số lĩnh vực kinh doanh chính của SCIC.
9. Đối với các doanh nghiệp SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước sau thời điểm Quyết định này được ban hành, SCIC thực hiện phân loại theo đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02 tháng 07 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện sắp xếp lại, tái cơ cấu doanh nghiệp theo quy định.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp:
a) Chỉ đạo SCIC thực hiện Quyết định này; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về các nội dung báo cáo, đề xuất. Kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh; trong trường hợp không thực hiện được theo Quyết định này do điều kiện khách quan, chủ động rà soát, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, có văn bản chỉ đạo, bảo đảm phù hợp quy định pháp luật.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, cơ quan liên quan thực hiện giám sát việc triển khai Quyết định này.
c) Tiếp tục thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật.
d) Chỉ đạo xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém, các khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền đối với danh mục các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.
đ) Chỉ đạo SCIC xây dựng phương án tăng vốn điều lệ khi có đủ nguồn lực tài chính, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, điều kiện theo quy định pháp luật, trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
e) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện khen thưởng, kỷ luật, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm đối với Hội đồng thành viên SCIC trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, quản lý, điều hành doanh nghiệp, tổ chức thực hiện Quyết định này, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan.
g) Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này; báo cáo cấp có thẩm quyền kết quả thực hiện theo quy định tại Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Tài chính:
- Phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Quyết định này theo quy định; hướng dẫn SCIC xử lý các khó khăn, vướng mắc đối với các nội dung thuộc thẩm quyền.
- Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với phần vốn SCIC đang quản lý tại Tập đoàn Bảo Việt về Bộ Tài chính.
3. Các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Quyết định này.
4. Hội đồng thành viên SCIC có trách nhiệm:
a) Tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Quyết định này nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đến các đơn vị thành viên, từ cán bộ lãnh đạo các đơn vị đến người lao động trong quá trình triển khai thực hiện.
b) Xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với Quyết định này; phương án tài chính để triển khai thực hiện nhiệm vụ chính được giao và xử lý các tồn tại về tài chính trong quá trình cơ cấu lại. Chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại, sắp xếp doanh nghiệp thành viên phù hợp với Quyết định này.
c) Phối hợp với cấp có thẩm quyền hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất; Quyết liệt triển khai và thực hiện phương án xử lý đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2), Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Mỏ Quý Xa và Nhà máy gang Thép Việt Trung (VTM) sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương; tập trung xử lý và giải quyết dứt điểm trong phạm vi thẩm quyền các tồn tại, khó khăn, vướng mắc và tranh chấp với nhà thầu tại các hợp đồng EPC; phấn đấu hoàn thành toàn bộ quyết toán các dự án đầu tư; Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; hoạt động hiệu quả và được cấp có thẩm quyền đưa ra khỏi danh mục xử lý của Ban Chỉ đạo các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương theo quy định của pháp luật; Thực hiện thoái vốn khỏi Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) hoặc chuyển, giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại VNS sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
d) Nghiêm túc triển khai thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện mục tiêu, chiến lược, kế hoạch và nhiệm vụ được giao, đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty con, của cán bộ quản lý, người đại diện theo quy định.
đ) Đối với 03 doanh nghiệp, gồm: Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang và Công ty cổ phần FPT: khi thoái vốn, SCIC có trách nhiệm nộp tiền thu được vào ngân sách nhà nước theo quy định. Riêng đối với Tập đoàn Bảo Việt: thực hiện bàn giao về Bộ Tài chính theo quy định hoặc chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
e) Định kỳ báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tình hình triển khai, kết quả thực hiện Quyết định này và các nội dung theo quy định tại Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
g) Hội đồng thành viên SCIC chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, nội dung tại Quyết định này. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, SCIC kịp thời báo cáo, đề xuất để Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
5. Văn phòng Chính phủ
Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Quyết định này theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |
PHỤ LỤC
DOANH NGHIỆP THỰC HIỆN THOÁI VỐN TOÀN BỘ
(Kèm theo Quyết định số 690/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Tên doanh nghiệp | Tỷ lệ sở hữu (*) |
I | SCIC thực hiện thoái hết vốn góp |
|
1 | Công ty cổ phần Bến xe Kon Tum | 97,03% |
2 | Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Á Châu | 79,20% |
3 | Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Lâm Đồng | 68,09% |
4 | Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Nam - Đà Nẵng | 29,00% |
5 | Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Đắk Lắk | 16,00% |
6 | Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 - CTCP | 40,08% |
7 | Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Cần Thơ | 98,75% |
8 | Công ty cổ phần nông sản thực phẩm xuất khẩu Cần Thơ | 98,31% |
9 | Công ty cổ phần Xây dựng tư vấn đầu tư Bình Dương | 23,26% |
10 | Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương | 30,00% |
11 | Công ty cổ phần Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo | 34,31% |
12 | Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế Sovilaco | 74,99% |
13 | Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang | 8,24% |
14 | Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng Bến Tre | 49,76% |
15 | Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Cần Thơ | 41,51% |
16 | Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn | 2,54% |
17 | Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển đô thị Cần Thơ | 47,19% |
18 | Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu | 9,31% |
19 | Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại | 98,31% |
20 | Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam - CTCP | 98,16% |
21 | Tổng công ty LICOGI - CTCP | 40,71% |
22 | Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư giao thông vận tải | 97,37% |
23 | Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Thái Nguyên | 98,84% |
24 | Tổng công ty Xây dựng công trình Giao thông 8 | 18,42% |
25 | Tổng công ty Thăng Long | 25,05% |
26 | Công ty cổ phần Giải trí quốc tế Lợi Lai | 24,44% |
27 | Công ty cổ phần Quản lý đường thủy nội địa số 7 | 51,00% |
28 | Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - CTCP | 63,38% |
29 | Công ty cổ phần Dược Khoa | 4,85% |
30 | Công ty cổ phần Kỹ thuật tài nguyên và môi trường Sơn La | 24,00% |
31 | Công ty cổ phần Khảo sát, Thiết kế, Xây dựng Cao Bằng | 12,00% |
32 | Tổng công ty cổ phần Điện Tử và Tin học Việt Nam | 87,97% |
33 | Công ty cổ phần Giao nhận kho vận ngoại thương | 99,46% |
34 | Công ty cổ phần Nhựa Việt Nam | 65,85% |
35 | Công ty cổ phần Sách Việt Nam | 10,00% |
36 | Công ty cổ phần Nông sản Agrexim | 30,71% |
37 | Công ty cổ phần Công nghệ thông tin viễn thông và tự động hóa dầu khí (PVTech) | 13,60% |
38 | Công ty cổ phần Phát hành sách Nghệ An | 51,00% |
39 | Công ty cổ phần TRAENCO | 19,37% |
40 | Công ty cổ phần tư vấn Biển Việt | 12,67% |
41 | Công ty cổ phần Thiết bị Khí tượng thủy văn và Môi trường Việt Nam | 45,00% |
42 | Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp Bà Rịa Vũng Tàu | 15,32% |
43 | Công ty cổ phần ACS Việt Nam | 30,22% |
44 | Công ty cổ phần Mía đường Thanh Hoá | 28,43% |
45 | Công ty cổ phần Thương mại Tổng hợp Bắc Giang | 44,20% |
46 | Công ty cổ phần xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng Hải Phòng | 9,02% |
47 | Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Bắc Kạn | 30,00% |
48 | Công ty cổ phần Vận tải, dịch vụ và xây dựng Bắc Kạn | 14,34% |
49 | Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển nông thôn II Cao Bằng | 47,49% |
50 | Công ty cổ phần Công trình Giao thông Bình Thuận | 92,10% |
51 | Công ty cổ phần công trình Giao thông vận tải Quảng Nam | 53,80% |
52 | Công ty cổ phần Du lịch Quảng Ngãi | 2,77% |
53 | Công ty cổ phần Trà Bắc | 45,68% |
54 | Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Thăng Long | 3,40% |
55 | Công ty cổ phần GP9 | 12,71% |
56 | Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh | 11,42% |
57 | Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng | 9,00% |
58 | Công ty cổ phần Cảng quốc tế Lào Việt | 27,00% |
59 | Trường Đại học công nghiệp Vinh | 15,70% |
60 | Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và đầu tư Việt Nam | 30,00% |
61 | Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển miền Trung | 13,61% |
62 | Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại | 0,02% |
63 | Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam - CTCP | 14,00% |
64 | Công ty cổ phần Du lịch và Xúc tiến đầu tư | 10,03% |
65 | Công ty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Đắk Lắk | 9,27% |
66 | Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO | 34,71% |
67 | Công ty cổ phần Đóng tàu và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu | 48,64% |
68 | Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng khoáng sản Bình Thuận | 66,52% |
69 | Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (**) | 37,10% |
70 | Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (**) | 46,64% |
71 | Công ty cổ phần FPT (**) | 5,75% |
72 | Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam - CTCP | 87,32% |
73 | Công ty cổ phần Đầu tư SCIC - Bảo Việt | 50,00% |
74 | Công ty cổ phần Xây lắp điện Quảng Nam | 20,00% |
II | Thực hiện cổ phần hóa, SCIC không nắm giữ phần vốn sau cổ phần hóa |
|
1 | Công ty TNHH MTV In thống kê Thành phố Hồ Chí Minh | 100% |
2 | Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển HPI | 100% |
Ghi chú:
(*) Tỷ lệ sở hữu của SCIC tại thời điểm ngày 10/6/2024.
(**) Khi thoái vốn, SCIC có trách nhiệm nộp tiền thu được vào ngân sách nhà nước theo quy định./.