BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 0794/XNK-THCS V/v vướng mắc hàng tiêu dùng đã qua sử dụng cấm nhập khẩu | Hà Nội, ngày 28 tháng 7 năm 2020 |
Kính gửi: Tổng cục Hải quan
Trả lời công văn số 4579/TCHQ-GSQL ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Tổng cục Hải quan về vướng mắc hàng tiêu dùng đã qua sử dụng cấm nhập khẩu, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) có ý kiến như sau:
1. Về vấn đề này, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có ý kiến trao đổi với Tổng cục Hải quan tại công văn số 0545/XNK-THCS ngày 26 tháng 5 năm 2020 và công văn số 0676/XNK-THCS ngày 26 tháng 6 năm 2020.
2. Việc áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu đối với hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, phương tiện đã qua sử dụng thực hiện theo quy định tại Điều 5; mục II.4 Phụ lục I Nghị định số 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Phụ lục I Thông tư số 12/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Bộ Công Thương.
Theo công văn số 0676/XNK-THCS ngày 26 tháng 6 năm 2020 của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trao đổi với Tổng cục Hải quan: “Việc xác định mặt hàng thuộc Danh mục hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, phương tiện đã qua sử dụng cấm nhập khẩu quy định tại Phụ lục I Thông tư số 12/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Bộ Công Thương căn cứ theo nội dung mô tả mặt hàng và chi tiết mã HS, không căn cứ vào việc khai báo mục đích sử dụng của hàng hóa”. Theo đó, tất cả các mặt hàng có mã số HS và mô tả chi tiết như nêu tại Phụ lục I Thông tư số 12/2018/TT-BCT đều thuộc đối tượng áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu. Đối với các mặt hàng được mô tả thuộc “loại khác” cũng cần căn cứ vào mã HS của hàng hóa để xác định hàng hóa có thuộc Danh mục cấm nhập khẩu hay không.
Việc xây dựng, ban hành Danh mục hàng tiêu dùng đã qua sử dụng cấm nhập khẩu với nguyên tắc xác định theo mã HS và mô tả hàng hóa như nêu trên được thực hiện thống nhất từ nhiều năm nay. Việc xác định biện pháp quản lý nhập khẩu căn cứ trên mục đích sử dụng do thương nhân khai báo sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước bởi không thể quản lý được việc thương nhân sử dụng hàng hóa vào mục đích gì sau khi đã thông quan.
Bộ Tài chính cũng xây dựng Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam dựa trên Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới, không căn cứ theo “mục đích sử dụng”.
3. Các trường hợp được nêu tại công văn số 4579/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan là các trường hợp cá biệt. Không thể vì một số trường hợp cá biệt mà thay đổi nguyên tắc quản lý hàng hóa đã được thực hiện nhất quán từ trước đến nay.
Trên cơ sở đó, để đảm bảo công tác quản lý Nhà nước, nhằm hạn chế rủi ro doanh nghiệp lợi dụng quy định để nhập khẩu rác thải, phế thải, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường (như đã từng xảy ra với trường hợp nhập khẩu bạt nhựa, lưới đánh cá nhựa đã qua sử dụng...), đề nghị quý Tổng cục hướng dẫn doanh nghiệp và cơ quan hải quan thực hiện theo đúng các quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 12/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) xin trao đổi để Tổng cục Hải quan phối hợp thực hiện./.
| KT. CỤC TRƯỞNG |