Open navigation

Thông tư 2007/VBHN-BLĐTBXH ngày 14/05/2024 Hợp nhất Thông tư hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2007/VBHN-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 14 tháng 5 năm 2024

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG

Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2022, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Thông tư số 08/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các Thông tư, Thông tư liên tịch có quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận nơi cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 10 năm 2023.

2. Thông tư số 02/2024/TT-BLĐTBXH ngày 23 tháng 02 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2024.

Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 (sau đây gọi tắt là Luật 69/2020/QH14) như sau: [1]

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết một số điều, khoản sau đây của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

1. Hồ sơ chuẩn bị nguồn lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 18.

2. Nội dung chi tiết hợp đồng cung ứng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 19.

3. Tài liệu chứng minh việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước tiếp nhận lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 20; tài liệu chứng minh việc đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước tiếp nhận lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 40.

4. Mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới theo quy định tại khoản 3 Điều 22.

5. Mức trần tiền dịch vụ theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 23.

6. Nhân viên nghiệp vụ quản lý và hỗ trợ lao động ở nước ngoài theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 26.

7. Nội dung hợp đồng bảo lãnh và thanh lý hợp đồng bảo lãnh theo quy định tại khoản 3 Điều 58.

8. Chương trình, nội dung, thời lượng giáo dục định hướng, mẫu và thời hạn của giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng theo quy định tại khoản 3 Điều 65.

9. Mẫu văn bản đăng ký hợp đồng cung ứng lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 20; mẫu văn bản đăng ký hợp đồng nhận lao động thực tập theo quy định tại khoản 2 Điều 40; mẫu văn bản đăng ký hợp đồng lao động trực tiếp giao kết theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 53.

10. Mẫu Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 21; nội dung và mẫu Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động và tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại khoản 4 Điều 35; giữa người lao động và đơn vị sự nghiệp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 43.

11. Chế độ báo cáo định kỳ hàng năm của doanh nghiệp dịch vụ theo quy định tại điểm m khoản 2 Điều 26, của tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại khoản 8 Điều 35, của đơn vị sự nghiệp theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 43; báo cáo tình hình thực hiện đưa người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài theo quy định tại điểm l khoản 2 Điều 41.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

3. Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài.

4. Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

5. Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Hồ sơ chuẩn bị nguồn lao động

Hồ sơ chuẩn bị nguồn lao động bao gồm:

1. Văn bản chuẩn bị nguồn lao động theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Bản sao văn bản đề nghị của bên nước ngoài tiếp nhận lao động hoặc thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với bên nước ngoài tiếp nhận lao động kèm theo bản dịch tiếng Việt được chứng thực gồm những nội dung sau:

a) Số lượng lao động mà doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị, ngành nghề, giới tính người lao động;

b) Yêu cầu về trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ của người lao động;

c) Thông tin cơ bản về việc làm ở nước ngoài (nơi làm việc, mức lương, thời hạn hợp đồng lao động);

d) Thời gian dự kiến tuyển chọn.

3. [2] Tài liệu chứng minh được cơ quan chức năng nước tiếp nhận lao động cho phép tuyển dụng lao động nước ngoài đối với bên nước ngoài lần đầu hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam là giấy tờ sau:

a) Trường hợp bên nước ngoài là người sử dụng lao động, tài liệu chứng minh bao gồm:

a1) 01 bản sao giấy phép kinh doanh hoặc giấy tờ khác tương đương do cơ quan chức năng cấp cho người sử dụng lao động thể hiện lĩnh vực kinh doanh phù hợp với ngành, nghề công việc tuyển dụng lao động nước ngoài, kèm bản dịch tiếng Việt;

a2) Đối với nước có quy định về điều kiện tiếp nhận lao động nước ngoài thì cung cấp 01 bản sao tài liệu thể hiện người sử dụng lao động đáp ứng quy định này, kèm bản dịch tiếng Việt.

b) Trường hợp bên nước ngoài là tổ chức dịch vụ việc làm, tài liệu chứng minh bao gồm:

b1) 01 bản sao giấy phép kinh doanh hoặc giấy tờ khác tương đương do cơ quan chức năng cấp hoặc xác nhận cho tổ chức dịch vụ việc làm thể hiện ngành, nghề kinh doanh bao gồm dịch vụ việc làm, kèm bản dịch tiếng Việt;

b2) 01 bản sao thỏa thuận hợp tác hoặc văn bản đề nghị chuẩn bị nguồn hoặc tuyển dụng lao động Việt Nam của người sử dụng lao động cho tổ chức dịch vụ việc làm, kèm bản dịch tiếng Việt;

b3) Tài liệu chứng minh đối với người sử dụng lao động quy định tại điểm a khoản này.

4. Phương án chuẩn bị nguồn lao động bao gồm các nội dung sau:

a) Số lượng lao động dự kiến (tối đa bằng số lượng nêu tại điểm a khoản 2 Điều này); ngành nghề; giới tính; trình độ, kỹ năng nghề và ngoại ngữ của người lao động;

b) Phương thức chuẩn bị nguồn:

b1) Sơ tuyển (nếu có): Thời gian bắt đầu sơ tuyển, địa điểm sơ tuyển;

b2) Dự kiến bồi dưỡng kỹ năng nghề (nếu có): Thời gian (thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc), địa điểm, hình thức bồi dưỡng (trực tiếp/liên kết);

b3) Dự kiến bồi dưỡng ngoại ngữ (nếu có): Thời gian (thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc), địa điểm, hình thức bồi dưỡng (trực tiếp/liên kết).

5. [3] Cam kết ưu tiên tuyển chọn người lao động đã tham gia hoạt động chuẩn bị nguồn lao động là văn bản cam kết giữa doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam với người lao động, thể hiện nội dung doanh nghiệp sẽ ưu tiên tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi Hợp đồng cung ứng lao động đã được đăng ký và chấp thuận.

Điều 4. Nội dung chi tiết của hợp đồng cung ứng lao động [4]

1. Nội dung chi tiết của hợp đồng cung ứng lao động theo thị trường, ngành, nghề, công việc được quy định như sau:

a) Đối với các ngành, nghề, công việc tại thị trường Nhật Bản quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Đối với các ngành, nghề, công việc tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc) quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Đối với các ngành, nghề, công việc tại thị trường Hàn Quốc quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

d) Đối với các ngành, nghề, công việc tại thị trường Tây Á, Trung Á và Châu Phi quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

đ) Đối với các ngành, nghề, công việc tại thị trường Châu Âu và Châu Đại Dương quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.

e) Đối với các ngành, nghề, công việc tại thị trường Châu Mỹ quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.

g) Đối với các ngành, nghề, công việc tại thị trường Trung Quốc, Ma Cao (Trung Quốc) và Đông Nam Á quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này.

h) Đối với công việc lao động trên biển quốc tế quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hợp đồng cung ứng lao động do doanh nghiệp dịch vụ và bên nước ngoài tiếp nhận lao động thỏa thuận nhưng phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 5. Tài liệu chứng minh việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước tiếp nhận lao động [5]

1. Đối với thị trường Ma-lai-xi-a và thị trường Đài Loan (Trung Quốc), tài liệu chứng minh là 01 bản sao Phiếu thẩm định hồ sơ tuyển dụng lao động Việt Nam của cơ quan đại diện Việt Nam tại Ma-lai-xi-a và Đài Loan (Trung Quốc).

2. Đối với thị trường các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương và lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thị trường Hàn Quốc, trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động là người sử dụng lao động, tài liệu chứng minh bao gồm:

a) 01 bản sao giấy phép kinh doanh hoặc giấy tờ khác tương đương do cơ quan chức năng cấp cho người sử dụng lao động thể hiện lĩnh vực kinh doanh phù hợp với ngành, nghề, công việc tuyển dụng lao động nước ngoài, kèm bản dịch tiếng Việt;

b) 01 bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước tiếp nhận cho phép người sử dụng lao động tuyển dụng lao động nước ngoài hoặc 01 bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác nhận người sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu/điều kiện tuyển dụng lao động nước ngoài hoặc danh mục ngành, nghề, công việc được phép tuyển dụng lao động nước ngoài đối với nước tiếp nhận có quy định, kèm bản dịch tiếng Việt.

3. Đối với các nước, vùng lãnh thổ khác, trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động là người sử dụng lao động, tài liệu chứng minh là 01 bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước tiếp nhận cho phép người sử dụng lao động tuyển dụng lao động nước ngoài, kèm bản dịch tiếng Việt.

Trường hợp nước tiếp nhận không có quy định giấy tờ nêu trên: 01 bản sao giấy phép kinh doanh hoặc giấy tờ khác tương đương của người sử dụng lao động, hoặc giấy tờ khác của cơ quan chức năng hoặc tổ chức nghề nghiệp liên quan (đối với hộ kinh doanh cá thể) thể hiện người sử dụng lao động có lĩnh vực sản xuất kinh doanh phù hợp với ngành, nghề, công việc tuyển dụng lao động nước ngoài; đồng thời phù hợp với danh mục ngành, nghề, công việc được phép tuyển dụng lao động nước ngoài đối với nước tiếp nhận có quy định, kèm bản dịch tiếng Việt.

4. Đối với các nước, vùng lãnh thổ nêu tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động là tổ chức dịch vụ việc làm, tài liệu chứng minh bao gồm:

a) 01 bản sao giấy phép kinh doanh hoặc giấy tờ khác tương đương do cơ quan chức năng cấp hoặc xác nhận cho tổ chức dịch vụ việc làm thể hiện ngành, nghề kinh doanh bao gồm dịch vụ việc làm, kèm theo bản dịch tiếng Việt;

b) 01 bản sao thỏa thuận hợp tác hoặc văn bản yêu cầu hoặc văn bản ủy quyền tuyển dụng lao động Việt Nam của người sử dụng lao động cho tổ chức dịch vụ việc làm, kèm bản dịch tiếng Việt;

c) Tài liệu chứng minh đối với người sử dụng lao động quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.

Điều 6. Tài liệu chứng minh việc đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước tiếp nhận lao động

Đối với nước, vùng lãnh thổ quy định việc tiếp nhận lao động nước ngoài đến đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền thì tài liệu chứng minh là một trong các giấy tờ sau:

1. 01 bản sao văn bản cho phép cơ sở tiếp nhận lao động thực tập được tiếp nhận lao động nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp.

2. Giấy tờ khác thể hiện cơ sở tiếp nhận lao động thực tập được phép tiếp nhận người lao động theo quy định của nước sở tại.

Điều 7. Mức trần giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới [6]

1. Mức trần giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian nhưng không được vượt quá 0,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động cho mỗi 12 tháng làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động có thời hạn làm việc từ 36 tháng trở lên thì mức trần giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới không quá 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động.

2. Mức trần giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể được quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 8. Mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc

Mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể được quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 9. Nhân viên nghiệp vụ quản lý và hỗ trợ người lao động ở nước ngoài

Doanh nghiệp dịch vụ phải cử ít nhất 01 (một) nhân viên nghiệp vụ tại nước hoặc vùng lãnh thổ tiếp nhận để quản lý và hỗ trợ người lao động theo quy định như sau:

1. Doanh nghiệp dịch vụ có từ 500 lao động trở lên làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ma-cao (Trung Quốc), Nhật Bản.

2. Doanh nghiệp dịch vụ có từ 300 lao động trở lên làm việc tại nước hoặc vùng lãnh thổ còn lại.

Điều 10. Nội dung hợp đồng bảo lãnh

Hợp đồng bảo lãnh bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

1. Các bên tham gia

a) Bên bảo lãnh là cá nhân hoặc tổ chức có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 55 Luật số 69/2020/QH14;

b) Bên được bảo lãnh là người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

c) Bên nhận bảo lãnh là doanh nghiệp dịch vụ, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Phạm vi bảo lãnh

Phạm vi bảo lãnh là một phần hoặc toàn bộ những nghĩa vụ sau đây của bên được bảo lãnh:

a) Thanh toán tiền dịch vụ bên được bảo lãnh chưa thanh toán;

b) Thanh toán chi phí bồi thường thiệt hại do bên được bảo lãnh vi phạm hợp đồng gây ra;

c) Thanh toán tiền lãi trong trường hợp chậm thanh toán các khoản tiền thuộc phạm vi bảo lãnh được tính theo lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng do các bên thỏa thuận tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.

3. Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia a) Quyền của bên bảo lãnh

a1) Được bên nhận bảo lãnh, bên được bảo lãnh và các bên có liên quan thông tin đầy đủ, chính xác về quyền và nghĩa vụ của bên được bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh;

a2) Yêu cầu bên nhận bảo lãnh thông báo về nơi làm việc, tình hình việc làm, thu nhập, sức khoẻ, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt của bên được bảo lãnh;

a3) Yêu cầu bên nhận bảo lãnh thực hiện đúng các cam kết với bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh;

a4) Yêu cầu bồi thường thiệt hại và sử dụng số tiền bồi thường thiệt hại đó để bù trừ nghĩa vụ với bên nhận bảo lãnh (nếu có) trong trường hợp bên nhận bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ nêu tại các điểm d1), d2), d4) và d8) Điều này mà gây thiệt hại cho bên bảo lãnh;

a5) Được bên nhận bảo lãnh, bên được bảo lãnh thông báo về việc bên được bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh;

a6) Yêu cầu bên nhận bảo lãnh hoàn trả giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của bên bảo lãnh (nếu có) khi hợp đồng bảo lãnh chấm dứt;

a7) Yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

a8) Yêu cầu bên nhận bảo lãnh hoàn trả cho mình tài sản đã nhận hoặc giá trị tương ứng phần nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện trong trường hợp bên được bảo lãnh vẫn thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh.

b) Nghĩa vụ của bên bảo lãnh

b1) Chuyển giao giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của mình và các loại giấy tờ cần thiết khác cho bên nhận bảo lãnh;

b2) Vận động, giáo dục bên được bảo lãnh thực hiện đúng các nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký với bên nhận bảo lãnh; thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa, khắc phục thiệt hại do bên được bảo lãnh vi phạm hợp đồng gây ra;

b3) Thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong phạm vi bảo lãnh đã cam kết trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ trong hợp đồng đã ký với bên nhận bảo lãnh;

b4) Giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận bảo lãnh hoặc người thứ ba theo thỏa thuận để xử lý trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh;

b5) Thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh.

c) Quyền của bên nhận bảo lãnh

c1) Yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ;

c2) Yêu cầu bên bảo lãnh chuyển giao giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của mình và các loại giấy tờ cần thiết khác;

c3) Yêu cầu bên bảo lãnh có các biện pháp vận động, giáo dục bên được bảo lãnh thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết với bên nhận bảo lãnh;

c4) Yêu cầu bên bảo lãnh đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để xử lý trong trường hợp hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh;

c5) Yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh.

d) Nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh

d1) Thực hiện đúng các cam kết với bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh;

d2) Thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời cho bên bảo lãnh các quyền và nghĩa vụ của bên được bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh;

d3) Thông báo về nơi làm việc, tình hình việc làm, thu nhập, sức khoẻ, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt của bên được bảo lãnh theo yêu cầu của bên bảo lãnh;

d4) Giữ gìn, bảo quản, không làm hư hỏng, mất giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của bên bảo lãnh, nếu các bên có thỏa thuận về việc bên nhận bảo lãnh giữ giấy tờ, tài liệu này. Trong trường hợp làm hư hỏng hoặc mất giấy tờ, tài liệu, bên nhận bảo lãnh phải bồi thường thiệt hại;

d5) Thông báo cho bên bảo lãnh về việc thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi phát sinh căn cứ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; nếu bên được bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ, nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đó thì bên nhận bảo lãnh phải nêu rõ lý do trong thông báo về việc bên được bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn;

d6) Cung cấp cho bên bảo lãnh giấy tờ, tài liệu chứng minh về nghĩa vụ của bên được bảo lãnh trong phạm vi bảo lãnh, thiệt hại do bên được bảo lãnh gây ra;

d7) Thông báo cho bên bảo lãnh về việc bên được bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh;

d8) Hoàn trả giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của bên bảo lãnh (nếu có) khi hợp đồng bảo lãnh chấm dứt;

d9) Thông báo cho bên được bảo lãnh việc bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. 

4. Chấm dứt bảo lãnh Bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp theo quy định của pháp luật dân sự về bảo lãnh.

5. Các thỏa thuận khác không trái với quy định của pháp luật.

Điều 11. Thanh lý hợp đồng bảo lãnh

1. Thời hạn thanh lý hợp đồng bảo lãnh là 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày chấm dứt bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Việc thanh lý hợp đồng bảo lãnh được lập thành văn bản riêng hoặc ghi chung trong văn bản hủy bỏ việc bảo lãnh hoặc văn bản thỏa thuận chấm dứt bảo lãnh, trong đó ghi rõ mức độ thực hiện những nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo lãnh của các bên, trách nhiệm của các bên (nếu có) do phải thanh lý hợp đồng.

Điều 12. Giáo dục định hướng

1. Chương trình, thời lượng, nội dung giáo dục định hướng được quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Mẫu và thời hạn của giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng:

a) Mẫu giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng quy định tại Mẫu số 06 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng có giá trị 24 tháng kể từ ngày cấp. Quá thời hạn trên, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có trách nhiệm tổ chức giáo dục định hướng lại. Trường hợp giấy chứng nhận chưa quá thời hạn 24 tháng nhưng người lao động thay đổi doanh nghiệp dịch vụ, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa đi hoặc thay đổi ngành, nghề, công việc, nước đến làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân phải tiến hành giáo dục định hướng lại những nội dung có thay đổi; người lao động phải được kiểm tra, cấp lại giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng.

Điều 13. Các mẫu văn bản đăng ký hợp đồng

1. Văn bản đăng ký hợp đồng cung ứng lao động theo Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Văn bản đăng ký hợp đồng nhận lao động thực tập theo Mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Văn bản đăng ký hợp đồng lao động trực tiếp giao kết quy định tại Mẫu số 05 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 14. Nội dung, mẫu hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

1. Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ theo Mẫu số 03 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động và tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước, vùng lãnh thổ mà người lao động đến làm việc và có những nội dung sau đây:

Thời hạn làm việc; ngành, nghề công việc phải làm; nước, vùng lãnh thổ người lao động đến làm việc, địa điểm làm việc; giáo dục định hướng trước khi đi làm việc; điều kiện, môi trường làm việc; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; an toàn, vệ sinh lao động; tiền lương và tiền thưởng (nếu có), tiền làm thêm giờ, các khoản khấu trừ từ lương (nếu có); điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại từ nơi ở tới nơi làm việc; trách nhiệm trả chi phí đi lại từ Việt Nam đến nơi làm việc và ngược lại; chế độ khám bệnh, chữa bệnh và quyền lợi, chế độ khác (nếu có); quyền lợi, chế độ của người lao động trong trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chế độ khác; việc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng; cơ chế, thủ tục và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp; thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

3. Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động và đơn vị sự nghiệp phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động, thỏa thuận quốc tế quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật 69/2020/QH14, hợp đồng cung ứng lao động ký kết với bên nước ngoài tiếp nhận lao động (nếu có) và có những nội dung sau đây:

Thời hạn làm việc; ngành, nghề công việc phải làm; nước đến làm việc, địa điểm làm việc; giáo dục định hướng trước khi đi làm việc; bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ (nếu có); chi phí người lao động phải trả trước khi đi; điều kiện, môi trường làm việc; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; an toàn, vệ sinh lao động; tiền lương và tiền thưởng (nếu có), tiền làm thêm giờ, các khoản khấu trừ từ lương (nếu có); điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại từ nơi ở tới nơi làm việc; trách nhiệm trả chi phí đi lại từ Việt Nam đến nơi làm việc và ngược lại; chế độ khám bệnh, chữa bệnh và quyền lợi, chế độ khác (nếu có); chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng; ký quỹ, bảo lãnh để thực nghĩa vụ của hợp đồng (nếu có); việc thanh lý hợp đồng; cơ chế, thủ tục và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp; thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Điều 15. Chế độ báo cáo định kỳ

Chế độ báo cáo định kỳ của doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và của doanh nghiệp đưa người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài được quy định như sau:

1. Định kỳ hằng năm, trước ngày 20 tháng 12 của kỳ báo cáo, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nêu trên lập báo cáo về tình hình hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Mẫu đề cương báo cáo tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản và được gửi đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức: trực tiếp hoặc dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến.

3. Thời gian chốt số liệu báo cáo trong báo cáo định kỳ hằng năm được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.

Điều 16. Hiệu lực thi hành[7]

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2022.

2. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các văn bản sau đây hết hiệu lực thi hành:

a) Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 10 năm 2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

b) Thông tư số 21/2013/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 10 năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mức trần tiền ký quỹ và thị trường lao động mà doanh nghiệp dịch vụ được thỏa thuận ký quỹ với người lao động;

c) Thông tư số 22/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mẫu và nội dung của hợp đồng cung ứng lao động và hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

d) Quyết định số 18/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 18 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;

đ) Quyết định số 20/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;

e) Quyết định số 61/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 12 tháng 8 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về mức tiền môi giới người lao động hoàn trả cho doanh nghiệp tại một số thị trường.

3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp và người lao động phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Cục Quản lý lao động ngoài nước) để có hướng dẫn kịp thời./.


Nơi nhận:
- VPCP (để đăng công báo);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử của Bộ (để đăng tải);
 - Lưu: VT, Cục QLLĐNN.

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




 Nguyễn Bá Hoan

 

[FILE ĐÍNH KÈM TRONG VĂN BẢN]



[1] Thông tư số 08/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các Thông tư, Thông tư liên tịch có quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận nơi cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật Cư trú ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các Thông tư, Thông tư liên tịch do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, liên tịch ban hành.”.

Thông tư số 02/2024/TT-BLĐTBXH ngày 23 tháng 02 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.”

[2] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 02/2024/TT-BLĐTBXH ngày 23 tháng 02 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2024.

[3] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 02/2024/TT-BLĐTBXH ngày 23 tháng 02 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2024.

[4] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 02/2024/TT-BLĐTBXH ngày 23 tháng 02 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2024.

[5] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 02/2024/TT-BLĐTBXH ngày 23 tháng 02 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2024.

[6] Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 02/2024/TT-BLĐTBXH ngày 23 tháng 02 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2024.

[7] Điều 5 Thông tư số 08/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các Thông tư, Thông tư liên tịch có quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận nơi cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động -

Thương binh và Xã hội, có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 10 năm 2023 quy định như sau:

 “1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 10 năm 2023.

2. Các Mẫu giấy tờ là thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính đã được tiếp nhận trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà chưa giải quyết xong thì tiếp tục được giải quyết theo quy định tại Thông tư, Thông tư liên tịch chưa được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ bởi Thông tư này.

3. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị kịp thời phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết./.”.

Điều 3 và Điều 4 Thông tư số 02/2024/TT-BLĐTBXH ngày 23 tháng 02 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2024 quy định như sau:

“Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp

1. Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và thỏa thuận khác có liên quan đã

được ký kết và người lao động đã xuất cảnh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được thực hiện cho đến khi kết thúc hợp đồng.

2. Hợp đồng cung ứng lao động đã đăng ký, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận và người lao động chưa xuất cảnh trước ngày 15 tháng 05 năm 2024 nếu có nội dung trái quy định của Thông tư này thì Hợp đồng cung ứng lao động phải được sửa đổi, bổ sung hoặc ký kết mới.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2024.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp và người lao động phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để có hướng dẫn kịp thời./.”

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.