BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2016/TT-BYT | Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2016 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ BỆNH NGHỀ NGHIỆP ĐƯỢC HƯỞNG BẢO HIỂM XÃ HỘI
Căn cứ Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc:
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế;
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội,
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh nghề nghiệp.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Giới hạn tiếp xúc tối thiểu là mức tiếp xúc thấp nhất với yếu tố có hại trong quá trình lao động để có thể gây nên bệnh nghề nghiệp.
2. Thời gian tiếp xúc tối thiểu là thời gian tiếp xúc ngắn nhất với yếu tố có hại trong quá trình lao động để có thể gây bệnh nghề nghiệp.
3. Thời gian bảo đảm là khoảng thời gian kể từ khi người lao động đã thôi tiếp xúc với yếu tố có hại đến thời điểm vẫn còn khả năng phát bệnh do yếu tố có hại đó.
Điều 3. Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm và hướng dẫn chẩn đoán, giám định
1. Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán, giám định quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán, giám định quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán, giám định quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Bệnh bụi phổi talc nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán, giám định quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Bệnh bụi phổi than nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán, giám định quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này.
6. Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán, giám định quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này.
7. Bệnh hen nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán, giám định quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này.
8. Bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán, giám định quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này.
9. Bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do benzen và đồng đẳng và hướng dẫn chẩn đoán, giám định quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này.
10. Bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán giám định quy định tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư này.
11. Bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán, giám định quy định tại Phụ lục 11 ban hành kèm theo Thông tư này.
12. Bệnh nhiễm độc trinitrotoluen nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán, giám định quy định tại Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này.
13. Bệnh nhiễm độc asen nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán, giám định quy định tại Phụ lục 13 ban hành kèm theo Thông tư này.
14. Bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán, giám định quy định tại Phụ lục 14 ban hành kèm theo Thông tư này.
15. Bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán, giám định quy định tại Phụ lục 15 ban hành kèm theo Thông tư này.
16. Bệnh nhiễm độc cacbon monoxit nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán, giám định quy định tại Phụ lục 16 ban hành kèm theo Thông tư này.
17. Bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán, giám định quy định tại Phụ lục 17 ban hành kèm theo Thông tư này.
18. Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn và hướng dẫn chẩn đoán giám định quy định tại Phụ lục 18 ban hành kèm theo Thông tư này.
19. Bệnh giảm áp nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán giám định quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này.
20. Bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân và hướng dẫn chẩn đoán giám định quy định tại Phụ lục 20 ban hành kèm theo Thông tư này.
21. Bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ và hướng dẫn chẩn đoán giám định quy định tại Phụ lục 21 ban hành kèm theo Thông tư này.
22. Bệnh phóng xạ nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán giám định quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư này.
23. Bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán giám định quy định tại Phụ lục 23 ban hành kèm theo Thông tư này.
24. Bệnh nốt dầu nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán giám định quy định tại Phụ lục 24 ban hành kèm theo Thông tư này.
25. Bệnh sạm da nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán giám định quy định tại Phụ lục 25 ban hành kèm theo Thông tư này.
26. Bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm và hướng dẫn chẩn đoán giám định quy định tại Phụ lục 26 ban hành kèm theo Thông tư này.
27. Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài và hướng dẫn chẩn đoán giám định quy định tại Phụ lục 27 ban hành kèm theo Thông tư này.
28. Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc với cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su và hướng dẫn chẩn đoán giám định quy định tại Phụ lục 28 ban hành kèm theo Thông tư này.
29. Bệnh Leptospira nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán giám định quy định tại Phụ lục 29 ban hành kèm theo Thông tư này.
30. Bệnh viêm gan vi rút B nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán giám định quy định tại Phụ lục 30 ban hành kèm theo Thông tư này.
31. Bệnh lao nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán giám định quy định tại Phụ lục 31 ban hành kèm theo Thông tư này.
32. Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán giám định quy định tại Phụ lục 32 ban hành kèm theo Thông tư này.
33. Bệnh viêm gan vi rút C nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán giám định quy định tại Phụ lục 33 ban hành kèm theo Thông tư này.
34. Bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán giám định quy định tại Phụ lục 34 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 3. Nguyên tắc chẩn đoán, điều trị, dự phòng đối với người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp
1. Người lao động sau khi được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp cần được:
a) Hạn chế tiếp xúc yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp đó;
b) Điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Đối với nhóm bệnh nhiễm độc nghề nghiệp phải được thải độc, giải độc kịp thời;
c) Điều dưỡng, phục hồi chức năng và giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ bảo hiểm theo quy định.
2. Một số bệnh nghề nghiệp (bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ, do rung toàn thân, nhiễm độc mangan, các bệnh bụi phổi nghề nghiệp trừ bệnh bụi phổi bông) và ung thư nghề nghiệp, ung thư do các bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định cần chuyển khám giám định ngay.
3. Trường hợp chẩn đoán các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp cho người lao động trong thời gian bảo đảm không nhất thiết phải có các xét nghiệm xác định độc chất trong cơ thể.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Cục Quản lý môi trường y tế:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Thông tư này trên phạm vi toàn quốc;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy định về:
- Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm.
- Hướng dẫn chẩn đoán bệnh nghề nghiệp (bao gồm: định nghĩa bệnh, yếu tố gây bệnh, nghề hoặc công việc có tiếp xúc, giới hạn tiếp xúc tối thiểu, thời gian tiếp xúc tối thiểu, thời gian bảo đảm, lâm sàng, cận lâm sàng và các nội dung liên quan khác).
- Hướng dẫn giám định mức suy giảm khả năng lao động của bệnh nghề nghiệp (hay còn gọi là tỷ lệ tổn thương cơ thể).
c) Kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
2. Cục Quản lý khám bệnh, chữa bệnh chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý môi trường y tế trong việc xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung phác đồ điều trị các bệnh nghề nghiệp trong Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm.
3. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, cơ sở lao động trong phạm vi quản lý trong việc tổ chức triển khai Thông tư này;
b) Căn cứ vào các tiêu chí quy định tại Khoản 4 Điều này, đề xuất các bệnh mới thuộc các lĩnh vực, ngành nghề để Bộ Y tế xem xét bổ sung vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm;
c) Kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
4. Các Viện thuộc hệ y tế dự phòng, các trường đại học Y, Dược:
Chủ động nghiên cứu, đề xuất các bệnh mới, đặc thù thuộc các lĩnh vực, ngành nghề để Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) xem xét bổ sung vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm trên cơ sở các tiêu chí sau:
a) Xác định được mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với yếu tố có hại trong quá trình lao động với một bệnh cụ thể. Một số bệnh có thể xuất hiện sau nhiều năm tiếp xúc lần đầu với yếu tố có hại trong quá trình lao động, người lao động có thể đã nghỉ hưu hoặc chuyển sang công việc khác.
b) Bệnh xảy ra trong nhóm người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với nhóm người lao động không tiếp xúc.
c) Một số bệnh xảy ra ở người lao động do tiếp xúc với yếu tố có hại trong quá trình lao động nhưng chưa có điều kiện nghiên cứu mà đã được quốc tế công nhận là bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm có thể bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam.
5. Y tế các Bộ, ngành:
a) Căn cứ vào các tiêu chí quy định tại Khoản 4 Điều này để đề xuất các bệnh mới, đặc thù thuộc các lĩnh vực, ngành nghề để Bộ Y tế xem xét bổ sung vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm;
b) Hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong ngành thực hiện đúng các quy định hiện hành của pháp luật về khám sức khỏe phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp; thường xuyên kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bệnh nghề nghiệp.
6. Căn cứ vào các tiêu chí quy định tại Khoản 4 Điều này, các cơ sở lao động, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp, công đoàn các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo đề xuất bổ sung các bệnh mới thuộc các lĩnh vực, ngành nghề để Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) xem xét bổ sung vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm;
Điều 5. Điều khoản tham chiếu
Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo các văn bản thay thế hoặc sửa đổi bổ sung.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
2. Các văn bản: Thông tư liên bộ số 08/TT-LB ngày 19 tháng 5 năm 1976 của Bộ Y tế - Bộ Thương binh và Xã hội, Tổng Công đoàn Việt Nam quy định một số bệnh nghề nghiệp và chế độ đãi ngộ công nhân viên chức nhà nước mắc bệnh nghề nghiệp; Thông tư liên bộ số 29/TT-LB ngày 25 tháng 10 năm 1991 của Bộ Y tế - Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam bổ sung một số bệnh nghề nghiệp; Quyết định số 167/BYT-QĐ ngày 04 tháng 02 năm 1997 của Bộ Y tế ban hành bổ sung 5 bệnh nghề nghiệp vào danh mục các loại bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm; Quyết định số 27/QĐ-BYT ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Bộ Y tế ban hành bổ sung 04 bệnh nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm; Thông tư số 42/2011/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2011 của Bộ Y tế bổ sung bệnh nhiễm độc Cadimi nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân, nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm và hướng dẫn tiêu chuẩn chẩn đoán, giám định; Thông tư số 36/2014/TT-BYT ngày 14 tháng 11 năm 2014 của Bộ Y tế bổ sung bệnh Bụi phổi Than nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm và hướng dẫn chẩn đoán, giám định; Bảng 3 tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh nghề nghiệp tại Thông tư 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 27 tháng 9 năm 2013 của liên Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh tật và bệnh nghề nghiệp; Mục V và Mục VII Thông tư liên tịch số 08/1998/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 4 năm 1998 của liên Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện các quy định về bệnh nghề nghiệp, hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) để xem xét giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
[FILE ĐÍNH KÈM TRONG VĂN BẢN]